(KTSG Online) – Các tấm pin năng lượng mặt trời đang rẻ đến mức chúng được các hộ gia đình ở Hà Lan và Đức sử dụng để dựn hàng rào, giúp họ tiết kiệm chi phí lắp đặt áp mái truyền thống. Cơn bùng nổ nguồn cung từ Trung Quốc khiến thị trường pin mặt trời khắp nơi trên toàn cầu rơi vào tình trạng dư thừa, dẫn đến giá ngày càng rẻ.
- Mỹ áp thuế phạt với pin mặt trời của Trung Quốc hoàn thiện ở Đông Nam Á
- Bong bóng đầu tư năng lượng mặt trời ở Trung Quốc có nguy cơ bùng vỡ
Theo các nhà phân tích và tin tức báo chí, một số hộ gia đình ở Hà Lan và Đức đã sử dụng tấm pin mặt trời để làm hàng rào cho nhà của họ. Cách làm này khiến các tấm pin thu được ít ánh sáng mặt trời hơn so với cách áp mái, nhưng giúp tiết kiệm chi phí lắp đặt.
“Giá của các tấm pin mặt trời ngày càng rẻ đến mức chúng ta có thể lắp đặt chúng ở khắp mọi nơi. Vì chi phí nhân công chiếm đáng kể chi phí lắp đặt hệ thống pin mặt trời áp mái, nên việc sử dụng pin mặt trời làm hàng rào có thể hợp lý”, Jenny Chase, nhà phân tích năng lượng mặt trời của Công ty tài chính năng lượng mới BloombergNEF bình luận.
Năm ngoái, Green Akku, nhà cung cấp mô-đun năng lượng mặt trời cho ban công ở Đức, tung ra sản phẩm ZaunPV, một hệ thống pin mặt trời có thể dễ dàng gắn vào hàng rào. Công ty cung cấp một hệ thống hoàn chỉnh với các mô-đun năng lượng mặt trời, bộ biến tần và giá đỡ đặc biệt, với giá bán lẻ là 416,81 euro.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAE) ước tính, nguồn cung tấm pin năng lượng mặt trời trên toàn cầu sẽ đạt 1.100 GW vào cuối năm nay, cao gầp ba lần nhu cầu theo dự báo hiện tại. Báo cáo của IEA biết, tình trạng dư thừa sản xuất ở Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chênh lệch cung cầu quá lớn này.
Trong khi đó, chi phí lắp đặt các hệ thống pin mặt trời áp mái trở nên đắt đỏ, chủ yếu do chi phí nhân công tăng cao. Ngoài ra, việc chờ đợi các hệ thống này được được kết nối và bán vào lưới điện đang khiến nhiều hộ gia đình. Các hạn chế công suất lưới điện cũng ảnh hưởng đến các nhà phát triển năng lượng mặt trời ở hầu hết các nước. Vấn đề không thể giải quyết dễ dàng và nhanh chóng.
Longi Green Energy Technology (Trung Quốc), một trong những nhà sản xuất tấm pin lớn nhất thế giới, gần đây sa thải hàng nghìn công nhân nhà máy do tình trạng dư cung trên thị trường.
Tại châu Âu, các lãnh đạo hành ngành công nghiệp pin mặt trời cảnh báo khó khăn gia tăng trong thời gian tới. Thông điệp này được họ đưa ra sau khi ngành này cho thấy thực trạng sa thải lao động, phá sản và đóng cửa trong những tháng gần đây.
Theo một dự thảo sắp được ký kết vào ngày 15-4 tới, Ủy ban châu Âu (EC) cam kết “đánh giá tất cả bằng chứng về các hành vi bị cáo buộc là cạnh tranh công bằng” trên thị trường tấm pin mặt trời. Đồng thời EC sẽ mở rộng sự tiếp cận các nguồn vốn của EU (Liên minh châu Âu) dành cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời trong khu vực.
Nhưng điều này khó có thể làm hài lòng ngành công nghiệp thiết bị năng lượng mặt trời của châu Âu. Alessandro Barin, CEO của FuturaSun (Ý), công ty sản xuất tấm pin ở Trung Quốc để bán sang châu Âu cho biết, nhiều lô hàng tấm pin mặt trời của công ty vẫn đang chất đống ở các cảng và nhà kho do chưa bán được.
Barin cho biết, khí giá pin mặt trời rơi xuống ngưỡng báo động 0,15 đô la/ một watt, FuturaSun sẽ không thể đầu tư sản xuất ở châu Âu. Ông nói, nếu không có thêm sự hỗ trợ của EU, nhà máy mà ông lên kế hoạch xây dựng ở gần thành phố Venice (Ý) sẽ được thiết kế với công suất nhỏ hơn dự tính.
Theo BloombergNEF, vào cuối tháng 3, một tấm pin mặt trời có giá tương đương 0,11 đô la Mỹ/watt, tức chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. BloombergNEF dự báo, giá sẽ giảm sâu hơn nữa trong “cuộc đua xuống đáy” khi các nhà sản xuất cạnh tranh để loại bỏ nguồn cung dư thừa.
Hồi tháng 2, Hội đồng Sản xuất năng lượng mặt trời châu Âu (ESMC) cảnh báo, các nhà sản xuất pin mặt trời trong khu vực sẽ sớm đóng cửa nếu không nhận được sự hỗ trợ tài chính khẩn cấp.
Nhà sản xuất tấm pin mặt trời Systovi của Pháp đang tìm cách bán tài sản với lý do “pin mặt trời bán phá giá của Trung Quốc tăng đột ngột”.
Trao đổi với Financial Times, Tập đoàn điện lực Pháp ( EDF) cho biết, đơn vị sản xuất tấm pin mặt trời Photowatt của EDF đang “gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự cân bằng kinh tế”. Hồi tháng 11, Tập đoàn REC ở Na Uy đóng cửa nhà máy sản xuất polysilicon, nguyên liệu thô quan trọng của các tấm pin mặt trời. Trong khi đó, Meyer Burger Technology của Thụy Sĩ cho biết, sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở Đức để tập trung sản xuất ở Mỹ.
Ngay cả ở Mỹ, ngành công nghiệp sản xuất linh kiện pin mặt trời cũng đang gặp khó khăn dù được tiếp cận các khoản trợ cấp theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) trị giá 369 tỉ đô la Mỹ. Hàng nhập khẩu từ Đông Nam Á được bán với giá chiết khấu so với các sản phẩm do Mỹ sản xuất, ngay cả sau khi tính chí phí thuế.
Tình thế này đang gây áp lực lên các nhà sản xuất trong nước, bao gồm cả Cubic PV được tỉ phú Bill Gates hậu thuẫn. Hồi tháng 2, Cubic PV thông báo hủy kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tấm nền silicon cho pin mặt trời, với lý do giá cả “sụt giảm nghiêm trọng”.
“Đạo luật IRA không tạo điều kiện thành công cho các nhà sản xuất pin mặt trời trong nước, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tăng trưởng mong manh này”, Danielle Merfeld, giám đốc công nghệ của Hanwha Q-Cells, một trong những nhà sản xuất linh kiện năng lượng mặt trời lớn nhất ở Mỹ nói.
Phát biểu tại một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở bang Georgia hồi tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen thúc giục Trung Quốc ngừng ồ ạt bán ra thị trường toàn cầu những mặt hàng công nghệ xanh giá rẻ.
Nhưng Sumant Sinha, CEO của ReNew, nhà cung cấp năng lượng mặt trời và gió hàng đầu của Ấn Độ, phàn nàn rằng, trợ cấp của chính phủ Mỹ dành cho ngành năng lượng mặt trời đang đe dọa tham vọng của Ấn Độ trong việc trở thành nhà sản xuất tấm pin mặt trời chi phí thấp. Vì vậy, giải pháp thay thế là tiếp tục phụ thuộc vào hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. .
“Có phải những khoản trợ cấp khổng lồ đó là khoản đầu tư tốt nhất cho toàn thế giới? Không phải vậy, nhưng điều đó đang xảy ra vì Mỹ muốn tạo việc làm trong nước”, ông nói.
Đối với một số nhà quan sát trong ngành, vấn đề cung vượt cầu là hệ quả của những tin tức tốt từ cơn bùng nổ đầu tư năng lượng mặt trời ở châu Âu để ứng phó trạng thiếu năng lượng do Nga bóp nghẹt nguồn cung khí đốt sau cuộc xung đột với Ukraine. Giá năng lượng tăng vọt đã khuyến khích các hộ gia đình ở châu Âu lắp đặt các tấm pin mặt trời để tiết kiệm hóa đơn điện và bán điện xanh dư thừa vào lưới điện.
Theo Financial Times, pv-magazine.com